Khám Phá Ngọn Núi Của Sâm Ngọc Linh

Với đỉnh cao hơn 2600m và nhiều ngọn cao hơn 2000m, núi Ngọc Linh nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum, giáp tỉnh Quảng Nam, từ lâu đã được biết đến là “Nóc nhà Tây Nguyên” và của cả miền Nam, chỉ đứng sau độ cao của dãy núi Hoàng Liên Sơn của Việt Nam. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh không chỉ có giá trị đặc biệt về bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn được xác định trở thành điểm đến vô cùng độc đáo, hấp dẫn trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Dưới chân núi Ngọc Linh

Từ tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học…

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ngọc Linh có diện tích  hơn 38.100 ha; thuộc địa bàn 5 xã ( Đắk Man, Đắk Choong, Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp) huyện Đắk Glei; vùng đệm gồm 8 xã của huyện Đắk Glei, 3 xã của huyện Tu Mơ Rông. Khu BTTN Ngọc Linh cùng với Khu BTTN Sông Thanh và Khu BTTN Ngọc Linh Quảng Nam làm thành khu vực bảo tồn thiên nhiên liên hoàn rộng lớn nhất Việt Nam với khoảng 150.000 ha.

Ở trung tâm vùng sinh thái dải Trường Sơn, Khu BTTN Ngọc Linh là một trong những vùng sinh thái được hưởng nhiều ưu tiên mang tính toàn cầu về tính đa dạng cao của sinh học, là nơi lưu trữ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng, nguồn gien sinh vật rừng; nơi “đắc địa” phục vụ nghiên cứu khoa học gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, bảo vệ môi trường.

Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học về đa dạng sinh học, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh được ghi nhận có 14 kiểu thảm thực vật rừng ở 3 đai độ cao (Nhiệt đới, á nhiệt đới núi thấp, á nhiệt đới núi trung bình). Trong đó, chủ đạo là thảm thực vật á nhiệt đới núi thấp; nổi bật với kiểu rừng kín á nhiệt đới, núi trung bình ở độ cao 1.800m – 2.600m có lớp thảm mục dày. Đây là điều kiện đặc thù để một số loài động thực vật quý hiếm đặc hữu của Việt Nam sinh trưởng như loài sâm Ngọc Linh (Panax Vietnamense), khướu Ngọc Linh (Garrulax Ngoclinhensis). Là nơi hội tụ 1.091 loài thực vật bậc cao trong đó, có tới 40 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam, 25 loài nằm trong danh lục đỏ thế giới. Khu hệ Thú ghi nhận 91 loài thuộc 28 họ, có 24 loài nằm trong đó thuộc sách đỏ Việt Nam, 22 loài nằm trong danh lục đỏ thế giới. So với toàn quốc, số loài được ghi nhận ở Khu BTTN Ngọc Linh chiếm gần 11%, số họ chiếm 45%, số ngành thực vật chiếm  hơn 85%, số bộ của động vật chiếm 73%.

 …Đến tài nguyên du lịch

Đồng bào Xơ Đăng sống trên núi Ngọc Linh, từ bao đời với bản chất hiền lành chất phát, kiên cường với thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã làm nên bao câu chuyện mang tính huyền thoại về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc như câu chuyện về anh hùng A Mét của làng kháng chiến Xốp Dùi trong những ngày toàn dân đứng lên chống giặc ngoại xâm; câu chuyện về cây thuốc giấu của đồng bào Xơ Đăng, cây Sâm Ngọc Linh đã góp phần cho bộ đội có sức khỏe dẻo dai, vượt Trường Sơn những ngày chống Mỹ mà ngày nay đã trở thành loài cực kỳ quý hiếm, trở thành sản phẩm của quốc gia. Cũng từ thành quả lao động của bao đời mà ngày nay, dưới chân núi Ngọc Linh đã hình thành nên những thửa ruộng bậc thang rộng hàng trăm ha xa hút tầm mắt, len lỏi là những dòng sông, con suối, đến mùa lúa chín như một bức tranh thủy mặc, sơn thủy hữu tình, mỗi mảnh ruộng, thửa đất tại đây đều có tên và gắn với một câu chuyện của gia đình, của làng trong sinh hoạt và sản xuất, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, như câu chuyện cổ tích về một vùng văn hóa.

Trên những con đường mòn đi đến đỉnh Ngọc Linh dài khoảng 8- 9km đường chim bay, hành trình đi bộ mất khoảng 8-9 tiếng, trên hành trình đi qua có nhiều diện tích ruộng bậc thang, khung cảnh rất đẹp, tìm hiểu và khám phá nhiều loài cây đặc hữu của Ngọc Linh như cây chè rừng, cây hương gù (gỗ có mùi thơm rất dễ chịu), cây hoa đỗ quyên trắng loại cổ thụ, mọc thành rừng, nhiều thác và dốc thích hợp cho du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch sinh thái.

Trên hành trình có thể cảm nhận và thấy rõ sự thay đổi của thời tiết, dưới chân núi là ruộng bậc thang, đến rừng thưa, khi lên đến độ cao 1500-1600m xuất hiện nhiều cây dương sỉ và rêu, đến khu vực gần đỉnh núi trời mưa lất phất không khí ẩm, trên đường thỉnh thoảng lại có những trảng cỏ lớn, thích hợp để xây dựng các điểm dừng chân cho du khách ưa thích hoạt động du lịch mạo hiểm và khám phá.

Sâm Ngọc Linh – “thuốc giấu”của núi rừng

Triển vọng phát triển du lịch vùng núi Ngọc Linh

Trong định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kon Tum, có triển khai dự án đầu tư hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh núi Ngọc Linh”; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, có tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tài nguyên du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Kon Tum và phát huy thế mạnh nổi trội về cảnh quan thiên nhiên núi Ngọc Linh, các di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, lợi thế đã hình thành các vườn trồng sâm và cây dược liệu… nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Kon Tum nói chung và 2 huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông nói riêng. Bên cạnh đó, từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch bền vững vào khu vực này.

Để thu hút du khách trong nước và quốc tế sẽ hình thành các sản phẩm du lịch chủ yếu được tập trung trong 3 lĩnh vực: Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử; sản phẩm du lịch cộng đồng, sản phẩm nghề truyền thống; sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch nông nghiệp. Theo đó, các di tích lịch sử  nổi tiếng như ngục Đắk Glei, làng Kháng chiến Xốp Dùi…, các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Măng Ri, Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), xã Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đắk Glei), những vườn sâm Ngọc Linh, vườn trồng cây dược liệu, những thửa ruộng bậc thang, những con sông, con suối… sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá và trải nghiệm của nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum và du khách gần xa. Đầu tư khai thác du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, loại hình du lịch mạo hiểm đặc sắc có tên gọi “Chinh phục núi Ngọc Linh” cũng được xác định trong hành trình khai thác tiềm năng du lịch vùng núi Ngọc Linh chính là sự khởi đầu hứa hẹn, tạo sự đột phá thực hiện Đề án Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2020

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *