Sâm Ngọc Linh không phải dễ trồng và trồng đại trà như sâm Hàn Quốc được, vì nó phải phù hợp với khí hậu nhiệt đới, thổ nhưỡng của vùng đất Ngọc Linh…
Ngày 9.6, khi trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hồ Quang Bửu – Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự phấn khởi khi sâm Ngọc Linh (được trồng trên núi Ngọc Linh thuộc địa bàn 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia.
“Vì trời đất đã tạo ra đặc trưng, khí hậu riêng cho vùng núi Ngọc Linh, nên chỉ có cây sâm được trồng trên núi này mới khẳng định được chất lượng. Còn nếu di thực qua vùng đất khác, thì chất lượng không thể bằng sâm được trồng tại vùng Ngọc Linh. Cũng như sâm Hàn Quốc, nếu được trồng trên núi thì giá thành có thể lên đến 250 triệu đồng/kg, còn trồng dưới đồng bằng chỉ có 2 triệu đồng/kg…” – ông Bửu khẳng định
Ông Bửu cho biết thêm, hiện tại Nam Trà My có khoảng 1.200ha trồng sâm Ngọc Linh, trong số đó có 95% là của người dân trồng.
Khi phóng viên bày tỏ sự lo ngại về chất lượng sâm Ngọc Linh đưa vào trồng đại trà sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia, vì giá thành sâm Ngọc Linh rất cao, ông Bửu khẳng định: “Vì sâm Ngọc Linh trồng hiện nay không bao giờ tưới nước, không bón phân, nếu bón phân củ sâm sẽ thối, sâm được trồng theo cách truyền thống chứ chưa trồng theo phương pháp áp dụng kỹ thuật. Tôi khẳng định, hiện nay sâm Ngọc Linh chưa thể trồng tại đồng bằng và đại trà như sâm Hàn Quốc được”.
Ông Bửu cho biết thêm, hiện có rất nhiều doanh nghiệp muốn trồng sâm Ngọc Linh, nhưng tỉnh mới đồng ý cho 6 doanh nghiệp đầu tư trồng sâm với diện tích khoảng 70ha.
Về mối lo ngại nguồn giống và bảo tồn nguồn gen của sâm Ngọc Linh, ông Hồ Quang Bửu nói: “Đúng, cái đáng lo hiện nay là làm sao bảo tồn nguồn gen sâm. Theo tôi được biết, hiện Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đang có kế hoạch giữ gen giống, còn phía tỉnh và địa phương cũng lên kế hoạch bảo vệ nguồn gen gốc đó. Vấn đề chính là làm sao bảo vệ nguồn gen phải có khoa học kỹ thuật, chứ không thể bảo vệ theo cách dân gian được. Ngoài ra, tôi cũng chưa thấy và nghe nói tại Hàn Quốc trồng được sâm Ngọc Linh. Theo tôi Hàn Quốc khó trồng được cây sâm Ngọc Linh, vì khí hậu của họ là ôn đới, còn sâm Ngọc Linh thích hợp với khí hậu nhiệt đới”.
Như Dân Việt đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 787 ngày 5.6.2017 về phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 cho cây sâm Ngọc Linh (sâm Ngọc Linh ở đỉnh Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum).
Theo tài liệu cung cấp, sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Haet Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.
Có thể nói rằng, trên thế giới chỉ có nước Việt Nam, và cả nước chỉ có 16 xã thuộc 2 huyện của 2 tỉnh (huyện Tu Mơ Rông – tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My – tỉnh Quảng Nam) là có sâm Ngọc Linh. Đỉnh Ngọc Linh cao 2.598m được xem như nóc nhà của Tây Nguyên, có rừng nguyên sinh cùng với sự phong phú của hệ động, thực vật với các điều kiện tự nhiên đặc biệt phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay.
Tháng 9.2015, Chính phủ đã phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000ha, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa.