Tìm Hiểu về dân tộc tìm ra loài Sâm Ngọc Linh

Ngày 21/10/2018, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Xê Đăng ở tỉnh Kon Tum đã tiến hành tái hiện Lễ mừng lúa mới độc đáo của dân tộc mình.
Các gia đình chuẩn bị lễ vật cho buổi Lễ cúng lúa mới. Ảnh: Hoàng Tâm 

Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Xê Đăng thường được tổ chức vào khoảng tháng 10 (âm lịch). Khi lúa ngoài đồng đã chín rộ, đồng bào Xê Đăng bắt đầu thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới.

Tùy theo phong tục của từng làng mà lễ hội được tổ chức theo quy mô và hình thức khác nhau. Khi lúa bắt đầu chín, già làng thống nhất ngày tốt để chuẩn bị tổ chức nghi lễ mừng lúa mới.

Những người phụ nữ chuẩn bị những hạt gạo mới để nấu cơm. Ảnh: Hoàng Tâm 

Các gia đình chủ động sửa sang nhà cửa như: thay phên mới, sửa lại cầu thang, dọn dẹp các đồ vật. Những vật dụng cũ, hư hỏng như vách sàn nhà không mang bỏ đi mà sắp xếp xung quanh nhà ở những nơi dễ nhìn thấy. Người Xê Đăng cho rằng, làm như vậy để thần lúa khi từ rẫy về nhà sẽ không thấy không gian trở nên xa lạ.

Trong ngày này, người phụ nữ chuẩn bị các vật dụng thiêng dùng trong nghi lễ của gia đình, như: gùi thiêng, nồi nấu cơm cúng, dây sirh jrông, hoặc dây chỉ (sirh prệh)….

Già làng cùng mọi người chuẩn bị lễ vật ra cúng ở bến nước đầu làng.
Ảnh: Hoàng Tâm 

Để thực hiện lễ mừng lúa mới, ngày hôm trước, đồng bào phải sang lại bến nước cho sạch sẽ, khơi thông giọt nước để sáng sớm hôm nay bà con mang lễ vật gồm có ghè rượu, cơm, thịt, ống nứa để lấy nước cùng nhau đi đón giọt nước đầu làng về với buôn làng mình và cùng nhau ăn mừng lúa mới.

Đoàn người ra bến nước đầu nước thực hiện các nghi thức cúng để cầu mong thần linh che chở, phù hộ. Ảnh: Hoàng Tâm 

Sau khi sửa soạn chuẩn bị các lễ vật đặt trước cây nêu ở giọt nước, già làng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng, sau đó, già làng cùng các cô gái Xê Đăng sẽ hứng những giọt nước đầu nguồn về với máng nước của buôn làng.

Già làng thực hiện nghi thức cúng tại bến nước. Ảnh: Hoàng Tâm 
Các cô gái hứng những giọt nước đầu tiên tại bến nước. Ảnh: Hoàng Tâm 

Lễ mừng lúa mới sẽ diễn ra tại mỗi gia đình và tiếp đó là tại nơi sinh hoạt cộng đồng của làng. Khi những bông lúa đã chín rộ, chủ hộ đưa các thành viên trong gia đình đến rẫy lúa của mình dọn cỏ, phát đuờng chuẩn bị thu hoạch lúa. Khi đến rẫy lúa, chủ hộ đến chỗ lúa chín đều nhất đọc lời khấn với ông Trời (Giàng), xin Thần Lúa (Na Soai) cho họ rước hồn lúa về với dân làng, với nhà của mình. Sau đó, cả gia đình bắt đầu công việc tuốt lúa. Tuốt lúa xong, họ đưa lúa về kho để cất giữ, mỗi gia đình chỉ mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới, trên đường mang lúa về nhà, khi gặp ngã ba, ngã tư, đường rẽ…họ bẻ một cành cây chắn ngang các lối đi phụ, chỉ để lại một lối đi chính từ kho lúa về nhà mình với suy nghĩ không để cho hồn lúa đi lạc lối khác.

Già làng và chủ nhà làm lễ tại máng nước của gia đình. Ảnh: Hoàng Hải 

Tại kho lúa của gia đình, người phụ nữ lấy cây đót đặt lên cầu thang và cửa kho, bà cất lúa vào kho, khấn thông báo với các thần linh biết gia đình mang lúa mới về kho, cầu mong hồn lúa khỏe mạnh, ở yên trong kho, không lạc mất, cầu mong thần linh phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, no đủ quanh năm. Làm lễ xong, người phụ nữ tiếp tục mang số lúa còn lại vào nhà. Lúc này, một phần lúa được đặt trên giàn cúng, một phần lúa khác được đem rang lên.

Một phần lúa được già làng cất vào kho lúa. Ảnh: Hoàng Hải 
Một phần lúa được già làng mang lên nhà để Rông để tiếp tục làm lễ cúng.
Ảnh: Hoàng Hải 

Bữa cơm đầu mùa dâng cho thần linh với đại ý kính cáo với các thần về lễ ăn lúa mới, xin cho kho thóc đầy, xin cho thú rừng không phá mùa màng….Thức ăn chuẩn bị trước của mỗi gia đình để ăn cơm mới gồm: thịt rừng, cá suối, rượu ghè. Họ bày mâm cơm, rượu ghè ra giữa nhà. Sau lời khấn của chủ hộ, chủ hộ sẽ nắm vắt cơm đầu tiên để ăn, uống rượu, tiếp đó, mọi người trong gia đình cùng ăn, uống rượu, múa hát đánh chiêng vui vẻ.

Già làng thực hiện các nghi thức cúng lúa mới ở nhà Rông. Ảnh: Hoàng Hải 

Khi tất cả các gia đình trong làng đã ăn mừng lúa mới, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo lễ hội uống rượu “mừng lúa mới” của tất cả cộng đồng làng. Trong lễ này, già làng đóng vai trò chủ lễ. Già làng thông báo cho tất cả các gia đình trong làng chuẩn bị thức ăn như: thịt rừng, chim chuột, cá suối, rau măng, rượu ghè…Một công việc không thể thiếu đó là dựng cây nêu, công việc này do nam giới trong làng thực hiện (nữ không được tham gia).

Nghi thức cầu khấn thần linh. Ảnh: Hoàng Hải 

Từ sáng sớm của ngày bắt đầu lễ hội, tất cả các gia đình trong làng đều phải đóng kín cửa, không ai được phép ra vào, cơm và các loại thức ăn được nấu sẵn và để lên giàn bếp, rượu ghè cũng được các gia đình chuẩn bị đầy đủ. Già làng là người đầu tiên được phép mở của và đi một mình đến nhà Rông. Sau đó, già làng đánh một hồi trống báo hiệu cho tất cả nam giới trong làng mang lễ vật như: Heo, gà, cá suối, rượu ghè tập trung về nhà Rông. Lễ vật được bày tại cột chính giữa nhà Rông.

Kết thúc buổi lễ, mọi người trong gia đình cùng khách vui vẻ ăn bữa cơm mới và uống rượu cần. Ảnh: Hoàng Hải 

Sau khi khấn Giàng, già làng ăn cơm mới và uống rượu làm phép, các thành viên trong làng lần lượt uống rượu và ăn cơm mới. Uống rượu ở nhà Rông xong, già làng đưa tất cả mọi người ở nhà Rông lần lượt đi đến từng gia đình trong làng đến mỗi nhà, các gia đình mang cơm rượu, thức ăn ra tiếp đoàn. Già làng làm phép và sau đó mọi người cùng ăn cơm, uống rượu tượng trưng, rồi lại tiếp tục đi đến nhà khác.

Sau buổi lễ, bà con dân làng cùng nhau vui những điệu múa, bài hát truyền thống mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Hải 

Khi đã đi đến tất cả các gia đình trong làng, đoàn lại quay lại nhà Rông, và lúc này tất cả các lễ vật được đưa ra vị trí cây nêu trước nhà Rông. Già làng thông báo cho tất cả các thành viên trong làng tập trung về nhà Rông để mở hội “Ăn mừng lúa mới”. Rượu ghè và thức ăn từ mỗi gia đình được lần lượt mang tới nhà Rông, cả cộng đồng cùng uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng. Đồng bào cứ thế vui hội cho đến khi lửa đã tàn, rượu đã nhạt, mọi người tạm nghỉ, lễ hội chính “mừng lúa mới” của người Xê Đăng xem như kết thúc đồng bào lại cùng hẹn nhau mùa tới sẽ no đủ hơn, sung túc hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *